CAEP Participants
Đăng ký cộng tác viên!!!

Thực tập nghề Israel

Tâm sự - chia sẻ của sinh viên đang thực tập nghề tại Israel


Đăng lúc: 2015-04-10 09:27:55 - Người đăng bài viết: Mai Thu - Đã Đọc: 2407
Thân gửi các bạn sinh viên đang thực tập nghề tại Israel và các bạn sinh viên đang có ý định đi Israel năm 2015! Bài viết dưới đây, mình xin được đăng những chia sẻ của bạn MrVermido - một tu nghiệp sinh đang sinh sống và làm việc tại Israel. Mình hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn, giúp các bạn hiểu được bản thân mình mong muốn điều gì và đưa ra được một mục tiêu rõ ràng để phấn đấu. Mình tin rằng thành công sẽ đên với những ai "dám mơ ước" và nỗ lực hết mình để theo đuổi giấc mơ đó! Chúc các bạn thành công...!

THÁNG 2 BÃO VỀ…!

         Mấy hôm nay thời tiết Israel xấu quá, nghe nói đâu là có bão cát. Gió bắt đầu thổi, tưởng đâu mang hơi nóng sa mạc xua đi cái lạnh tê tái của mùa đông…ngờ đâu mang đến toàn bụi và cát. Thông báo chính thức từ trung tâm: Chính phủ Israel thông qua luật đánh thuế thu nhập người lao động nước ngoài tối thiểu là 10%...không còn là bão nữa, mà là trận mưa bom phẫn nộ giữa những ngày cuối năm rạo rực, lòng người như muốn sục sôi thêm…:D

        Các bạn tu nghiệp sinh thân mến!
 
        Hôm này mình viết stt này không có ý khuyên răn các bạn, cũng chẳng phải góp ý những vấn đề của bạn…mình đang làm một điều mà mình nghĩ mình nên làm…đó là chia sẻ. Suy nghĩ là của mỗi người, không có suy nghĩ đúng và sai, chỉ là hợp lí với người ngày hoặc không thôi nhé các bạn…!
        Các bạn ạ! Đã 6 tháng rồi, sẽ không còn những câu chuyện “thích nghi” của những ngày mới sang, thay vào đó những câu chuyện của những ngày về, kết thúc hành trình tu nghiệp sinh tại Israel. Bản thân mình, mình bắt đầu nghĩ về những ngày kết thúc nhiều hơn…!
         Lúc ở sân bay, đứa bạn thân nhất của mình tặng mình một cuốn sổ, một cây bút và dặn dò rất kĩ…"Sau những ngày tui “bàn lui” về việc ông đi Israel, giờ không còn là lúc ông quyết định đi hay không, mà là lúc ông suy nghĩ sẽ đi như thế nào, hãy viết những gì ông học được từ xứ người lên cuốn sổ này mang về cho tui và mọi người. Hãy xem đó như những điều mong mỏi lớn nhất của tui và mọi người dành cho ông, ông bạn ạ".
         Đã 6 tháng trôi qua, sau những chuỗi ngày vật lộn với những khó khăn trong công việc, lương bổng, các mối quan hệ...Nhìn lại quãng đường mình đã đi, mỗi bạn sẽ có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Riêng mình, còn rất nhiều trăn trở bỏ giở, đặc biệt mình cảm thấy có lỗi với cô bạn và những người thân vì còn để trống trang sổ nhỏ này. Từ ngày hôm nay, mình sẽ đặt bút lên viết những dòng chữ đầu tiên và những dòng ấy dành cho các bạn, những tu nghiệp sinh, những người bạn cùng mình chiến đấu suốt 6 tháng trời…!
         Mỗi người chúng ta sang đây đều có những mục đích khác nhau, bản thân mình, quyết định đi tu nghiệp sinh tại Israel vì 4 động lực chính sau:
         + Nghe nói nhiều về đất nước và con người Israel, họ làm nên những điều vĩ đại, mong được một lần được sống và làm việc trên đất nước mà mình ngưỡng mộ. 
         + Một “vườn địa đàng giữa sa mạc”, một nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới trong một điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt. Mình yêu nông nghiệp, muốn tận mắt chứng kiến họ làm nên điều kì diệu ấy như thế nào?
         + Quốc gia của những con người khởi nghiệp “startup nation”. Mình rất mê khởi nghiệp và đã từng khởi nghiệp nhưng thất bại. Đây chính là cơ hội để mình được tiếp xúc với một thế giới mà mình đang theo đuổi.
         + Vừa mới thất bại, mình muốn dành dụm một số tiền để về Việt Nam làm tiếp (100tr).
        Còn bạn, vì sao bạn sang đây? Why do you want to go to Israel? Các bạn còn nhớ câu hỏi này khi phỏng vấn ở nhà trường không? (Nếu bạn nào còn nhớ câu trả lời thì mình cá là bạn sẽ rất ngạc nhiên là “vì sao mình có thể trả lời như vậy” đấy).
Mình tìm thấy rất nhiều câu trả lời từ các bạn, có người đi vì yêu quý đất nước này, muốn khám phá, trải ngiệm, sẽ có người đi vì muốn học hỏi kiến thức nông nghiệp, có người thì vì thất nghiệp nên đi biết đâu tìm thấy lối đi cho riêng mình, có bạn thì muốn đi du lịch, có người thì đi để làm việc và kiếm tiền…có kẻ thì đi đơn giản vì muốn đi, cũng có người vì tất cả các lí do trên. Dù là gì đi chăng nữa, các bạn đều sẽ kết thúc gần 11 tháng tại Israel và về Việt Nam với kết quả mà các bạn thu được. 
         Để mình dự đoán hành trang các bạn mang về nhá: Có thể là vài chục đến vài trăm triệu, một vài người bạn mới, những tấm hình từ chuyến du lịch thành cổ, núi tuyết, các buổi tiệc tùng nhậu nhẹt cùng bạn bè, một vài người thì sẽ improve vài level EL, một vài hình ảnh nơi làm việc, 1 vài cân chà là…và một tấm bằng nữa chớ…(năm ngoài mình nghe nói có người còn mang về cả em bé nữa cơ đấy Biểu tượng cảm xúc grin :D)
         Rất nhiều lý do để đi và nhiều điều để tu nghiệp sinh chúng ta mang về. Tuy nhiên mang gì về là điều mình hết sức trăn trở...?
         Đối với những bạn sang vì mục đích kiếm tiền: Đa số các bạn Tu nghiệp sinh đều là sinh viên, tuy nhiên farm mình có 1 thanh niên đi theo đoàn Oleco và thanh niên đó không phải là sinh viên và mục tiêu của họ rất rõ ràng: "cày" và kiếm tiền. Anh chàng tìm mọi cách để được đi "cày", mình cảm nhận động lực kiếm tiền khiến anh chàng này có sức mạnh thể chất lẫn tinh thần một cách kinh khủng. Có khả năng làm 7 ngày/ tuần và 14h/ ngày, thậm chí nếu không đi học mình nghĩ 30 ngày/ tháng (trừ tháng 2). Cậu tìm mọi cách tiếp xúc với các công việc làm thêm, tìm mọi lý do có thể để được nghỉ học và tính toán chi ly một cách có khoa học nhất mà mình từng thấy để có được tiền. Và tất nhiên một kết quả mỹ mãn, thanh niên này sẽ ra về với số tiền nhiều nhất farm. Các bạn thấy đó, một mục đích rõ ràng và kiên định, cậu ta luôn tìm được cách để bất chấp những khó khăn (farm mình thuộc dạng kk) đạt đươc mục tiêu của mình và cuối cùng cậu ta cũng về đích với kết quả mong muốn.
         Chính vì thế, ngày hôm nay mình rất biết ơn khi có một anh đi Israel khóa trước đã chia sẻ cho bọn mình ngày bọn mình sắp đi " Hãy chuẩn bị cho mình một mục tiêu kĩ lưỡng quan trọng hơn nhiều so với việc chuẩn bị thuốc men, quần áo…"
         Mình nhận thấy các bạn qua đây “thất bại” vì đã không chuẩn bị cho mình một mục đích rõ ràng, nói đúng hơn là một thứ tự ưu tiên rõ ràng. Nhiều bạn đi vì muốn có tiền, vừa muốn học anh văn một xíu, vừa muốn đi du lịch thật nhiều, lại vừa muốn học được kiến thức nông nghiệp công nghệ cao. Thế là “vòng xoáy cuộc đời” xoáy các bạn vào. Gặp khó khăn trong công việc, công việc nặng nhọc thì chẳng muốn tăng ca, không tăng ca thì không có tiền, không có tiền mà lại đi du lịch, đi du lịch lại hết tiền, hết tiền lại muốn tăng ca, tăng ca thì không học được anh văn, không học anh văn thì giáo viên nói không hiểu, không hiểu thì không học được kiến thức nông nghiệp công nghệ cao….Thế đấy, “vòng xoáy” luôn kéo bạn rời ra mục tiêu của bạn, nhất là những bạn “mơ hồ” về một xứ sở thần tiên. Để rồi, khi không đạt được điều mình mong muốn thì bắt đầu oán trách, tìm mọi lý do để thù hận về xứ sở này, mình thấy rất rất đáng tiếc...!
          Bản thân mình cũng như các bạn, lúc mới sang mình bị vòng xoáy công việc cuốn vào, mình có giai đoạn chỉ muốn cày thật nhiều để kiếm đủ tiền rồi tính đến việc khác, bỗng nhiên chủ không cho bọn mình làm thứ 7, mình đã nghĩ đến việc đi xin farm khác bằng mọi giá để làm thêm thứ 7, mình lên kế hoạch đi xin farm cho đi làm thêm. Nhưng rồi mục tiêu “học tập” làm mình phân vân, mình nghĩ hay là thứ 7 ở nhà tìm hiểu, đọc cái này cái kia…thế là mình không đi làm nữa. Rồi ở nhà, thấy bạn bè đi làm có tiền lại tiếc, thế là xin đi làm packing, làm packing mệt lại muốn nghỉ để nhiên cứu cái này cái nọ…Cứ thế lòng vòng mình chẳng làm được gì cả. Cho đến bây giờ mình đã xác định rõ: ưu tiên tham gia việc học kiến thức nông nghiệp là số 1, tiếp theo mới đến kiếm tiền…thì mọi chuyện trở nên khá dễ dàng với mình. Mình làm vừa đủ tiền để tham gia các tour du lịch mình thích, đi những nơi mình muốn đi (tất nhiên liên quan đến lĩnh vưc mình quan tâm)…Mình không đi núi tuyết vì mình nghĩ đó không phải là ưu tiên của mình. Khi chủ không cho làm packing hay thứ 7 mình lại có thời gian tập trung để học anh văn hay tìm hiểu, sưu tầm cái hay bên này. Mình không còn đặt nặng việc đem về 100tr nữa nên 10% thuế thu nhập khá nhẹ nhàng với mình nhưng không đem được tấm hình tour aquaculture thật sự nặng nề với mình. Hìhì...!
          Chính vì thế, mình chưa nói đến vấn đề tích cực cũng như tiêu cực bên này, mình muốn các bạn hiểu bản thân các bạn đang gặp “vấn đề” thì việc hoàn cảnh khó khăn làm bạn bế tắt, quay sang phản ứng lại một cách tiêu tực là điều là điều đương nhiên. Nhưng mình mong các bạn dành một chút suy nghĩ, hãy cho mình một ƯU TIÊN về những gì mà các bạn mong muốn khi sang đây tu nghiệp, mình tin các bạn sẽ có cách để làm được những mục tiêu đó và tận hưởng những giây phút thú vị trên mảnh đất này.
          “ NHỮNG AI SANG ĐÂY VÌ TIỀN LÀ NGU NGỐC ” - Thầy Goodmorning đã từng dạy như vậy.

Một câu chuyện Do Thái mình rất thích. 
          “Có một người mẹ Do Thái hỏi con mình:
              - Nếu có một ngày, nhà của con bị đốt, tài sản của con bị cướp, con sẽ mang thứ gì để tháo chạy?
              - Đứa trẻ còn nhỏ, không hiểu ý mẹ liền trả lời: đương nhiên con sẽ mang thật nhiều tiền và vàng bạc.
              - Người mẹ lại hỏi: có một vật không hình dạng, không màu sắc không mùi vị, con biết vật gì không?
              - Đứa trẻ trả lời: không khí
              - Người mẹ lại nói: không khí cố nhiên quan trọng, nhưng đâu đâu cũng có, cho nên con không cần phải mang theo người. Con ạ! Nếu chẳng may con gặp hoàn cảnh như vậy, thứ mà con nhất thiết phải mang theo mình không phải là tiền, hay vàng bạc châu báu, mà là tri thức. Bởi chỉ có tri thức mới là thứ mà không ai có thể cướp được của con. Chỉ cần con còn sống thì tri thức của con sẽ mãi mãi hữu ích cho con”.
(Trích cuốn “Những lý do để người Do Thái giàu có - Nguyễn Phương Hòa”)

          Thực tế đã chứng minh hơn hàng ngàn năm lưu vong, khi những người Do Thái đầu tiên có ý định quay về lập quốc, để xây dựng nhà nước ISRAEL giữa điều kiện thiên nhiên không những không thuận lợi mà lại khắc nghiệt như thế này, thì không còn con đường nào khác ngoài con đường “tri thức”. Và sẽ dễ dàng nhận thấy, những sản phẩm của Israel ngày nay đa phần là sản phẩm của khoa học công nghệ dựa trên nền tảng tri thức vững vàng.
          Và Việt Nam chúng ta cũng trải qua hàng ngàn năm lịch sử đau thương. Phải chăng vì đất mẹ thiên nhiên quá ưu đãi, vì ta có rừng vàng biển bạc mà chúng ta mãi sống trong bài ca chiến thắng mà ta thờ ơ quên đi nhiệm vụ phục hưng dân tộc suốt bao nhiêu năm qua. Đất mẹ thiên nhiên dù trù phú đến đâu rồi cũng có ngày cạn kiệt, tài nguyên nhiều đến đâu rồi cũng sẽ đến lúc hết. Đã không còn là lúc chúng ta ăn bám vào người mẹ thiên nhiên nữa. Hãy tự đứng lên bằng đôi chân của mình, dùng “tri thức” của mình mà chiến đấu trong trận chiến giành sự tự do này.
           Mình thấy nhiều bạn sang cố cày kéo để kiếm tiền, bản thân mình cũng làm việc ở đây nên mình hiểu, đồng tiền chúng ta kiếm được bằng sức lao động không hề dễ dàng, thậm chí có những bạn đánh đổi bằng nước mắt và máu. Có những bạn từ khi được làm việc bên này biết nhận thức giá trị của việc lao động, biết trân trọng hơn đồng tiền mình đang có. Mình thấy đó là tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên đừng nên dừng lại ở đó.
            Một câu chuyện về bản thân mình để nhận thấy giá trị của tri thức nó đáng giá hơn tiền rất là nhiều “Ngày ra trường, mình quyết định thực hiện một kế hoạch chăn nuôi nhỏ nhỏ. Với kế hoạch xây dựng cho mình một trang trại này, mình thấy nó rất đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều những hiểu biết, kĩ năng và đặc biệt, với một tâm thế kiêu hãnh của một kĩ sư nông nghiệp mới ra trường mình khẳng định mình hoàn toàn có thể làm được. Và ngày mình sang đây là ngày trang trại đó của mình phá sản, số tiền mình bỏ ra cho hơn 1 năm thử sức là gần 200 triệu. Một kết cục mà ngày mình mới viết dự án cũng không thể tưởng tượng nổi. Mình đã đúc kết ra hàng loạt những nguyên nhân dẫn mình đến thất bại đầu tiên này, nhưng xét cho cùng sự hiểu biết, kiến thức là điều quan trọng nhất. Dù đây chỉ là một dự án rất nhỏ, và đơn giản (Có cơ hội mình sẽ kể rỏ hơn về dự án này).
           Các bạn thấy đấy, có tiền không hẳn là quan trọng. Các bạn vẫn sẽ mất tiền hàng ngày, hàng giờ nếu bạn không có kiến thức. Ngày hôm nay, chúng ta cố tìm mọi cách để cày kéo, để lấy vài ba trăm triệu về Việt Nam, có bạn thì phụ giúp gia đình, có bạn thì sắm sửa cái này cái nọ, có bạn thì để tiền cho dự định riêng của mình sau này…Với mình, tất cả lý do đó đều đáng trân trọng. Nhưng bản thân mình nghĩ là nó không đáng để các bạn đánh đổi tuổi trẻ, sức lao động hàng ngày như vậy.  Hãy xem tiền là công cụ để chúng ta giành lấy tri thức, sẽ có ngày nó phục vụ cho bạn rất nhiều, mang tiền về cho bạn rất nhiều…hãy tin đi! 

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ?
HỌC Ở NỀN VĂN HÓA, HỌC CÁCH CON NGƯỜI HỌ VƯỢT LÊN SỐ
 PHẬN…
          Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc Do Thái được cả thế giới biết đến như một dân tộc làm nên những điều vĩ đại. Những đóng góp của họ cho nhân loại, cách họ sống, làm việc và cả những tính cách mà chúng ta cho là “bần tiện”, “xấu xa” đều có nguyên do của nó và nó đáng để chúng ta tìm hiểu và đúc kết cho bản thân chúng ta, rộng hơn là cho dân tộc mình. Chúng ta cũng là một dân tộc đáng tự hào đấy chớ…chỉ tiếc điều đó đúng cho quá khứ hơn là hiện tại…!
          Bản thân tớ theo dõi rất nhiều những câu chuyện về Do Thái, mặc dù đây không phải là chủ đề tớ dành nhiều tâm huyết. Các bạn ạ! Dù chỉ một lần thôi, nhưng các bạn tìm đến những cuốn sách viết về Do Thái, hãy dõi theo những tác giả có những bài nguyên cứu về họ. Mình nghĩ là các bạn sẽ có cách nhìn khác về họ….!
          Nhiều bạn sẽ hỏi: Nếu bạn học kiến thức nông nghiệp thì bạn học được gì bên này?
          Mình xin chia sẻ với các bạn, bản thân mình trước khi sang đây mình đã có thời gian đi làm lĩnh vực nông nghiệp, mình nghĩ mình có một may mắn là đã được tiếp xúc thực tế, qua quá trình làm việc và tiếp xúc với nông dân, tìm hiểu qua tài liệu... Những kiến thức các bạn tưởng chừng như rất đỗi bình thường và phổ thông mà thầy cô dạy trên trường thì với mình nó trở nên rất thú vị, gẫn gũi và thực tế…Mình biết, rất khó để các bạn hình dung được sự “gần gũi” mà mình cảm nhận từ kiến thức thầy cô truyền đạt. Mình cũng như các bạn, đã học 1 đến 2 lần, thậm chí nhiều bài giảng mình đã học không biết là lần thứ bao nhiêu nhưng vẫn cảm thấy rất thú vị. 
           Mình kể một câu chuyện về những người nông dân Việt Nam. Ngày mình làm trên cây hồ tiêu, hiện tại hồ tiêu là một cây công nghiệp đang sốt ở Việt Nam vì giá trị kinh tế. Tuy nhiên, tập quán canh tác và một số yếu tố làm cho cây hồ tiêu cũng là cây "hot" vì dịch bệnh. Khi người nông dân chưa một lần tiếp xúc với khoa học: nào là vài trò của đa trung vi lượng, nào là ion này ion kia, hay thành phần hóa học này nọ…Khi những kinh nghiệm trồng trọt bao lâu của họ được mã hóa, giải thích một cách bài bản và có cơ sở khoa học thì những bài học chúng ta cho là nhàm chán họ lại “tròn mắt, há mồn” vì sung sướng…Mình cảm giác họ như vỡ òa trước những điều lần đầu tiên họ biết, được giải thích có cơ sở khoa hoc rõ ràng logic chứ không phải là đoán mò như trước đây họ vẫn làm từ thực tế trên chính mảnh vườn đã bao năm gắn bó. Hãy tin mình đi…hãy yêu nó…những gì mà các bạn học bên này sẽ có một ngày các bạn cảm thấy nó thú vị và cần đến nó (nếu như bạn yêu thích thật sự lĩnh vực này ). 
          Đối với những kiến thức mới như: hệ thống nhỏ giọt, mô hình thâm canh cá, bò sữa, nhà lưới nhà kính… bạn đừng nghĩ nó xa vời với Việt Nam hay kiểu “biết bao giờ mình mới làm được”. Nông nghiệp nước mình còn quá nhiều những bất cập nhưng không phải vì thế mà chúng ta ko có quyền hi vọng, thực tế bản thân mình đã tìm hiểu qua thời gian làm việc những công nghệ này đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu rùi…Và hiện rất nhiều doanh nghiệp cũng như nông dân họ đã áp dụng rất thành công. Các bạn nghĩ tưới nhỏ giọt là cái gì to tát lắm, tầm cỡ Bầu Đức mới làm được nhưng nếu có điều kiện hãy lên Tây Nguyên, bạn sẽ ngạc nhiên vì có những làng hầu như là “Phổ cập” tưới nhỏ giọt cho hồ tiêu, cà phê…nhỏ giọt, tưới tự động bán tự động, netafim… dường như là những khái niệm rất bình thường với họ từ mấy năm nay rồi. Rồi lên Đà Lạt xem những nhà lưới nhà kính trồng rau trồng hoa…bạn sẽ thấy một Israel thu nhỏ …và đẹp hơn nữa, nó ngay chính Việt Nam thân yêu của chúng ta. Rồi xuống Bạc liêu bạn sẽ thấy những dự án nuôi tôm thâm canh trong nhà màng tầm cỡ quốc tế đang được triển khai…Hay vào Thtrue milk  Nghệ An, Củ Chi Hồ Chí Minh  sẽ thấy những trại bò sữa công nghệ Isreal…rất rất rất nhiều bạn ạ. Hãy đi đi và tìm hiểu! Nông nghiệp nước nhà đang cố gắng để vẫy vùng, thoát ra những đôi cánh nặng trĩu sức ì về tư tưởng, về công cụ,về kĩ thuật để rồi bước từng bước vươn ra cùng bạn bè Thế giới…Các bạn là một trong những thành tố quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam…Hãy ngưng than vãn, đừng ích kĩ mà hãy tích lũy thật nhiều, nghĩ ra ngoài bản thân mình, nghĩ cho mọi người, cho nông dân và cho đất nước mình. Chúng ta hãy cùng chung tay nhé các bạn! 
Bài chia sẻ sau mình sẽ viết về những cái hay không hay của người Do Thái mà mình cảm nhận được, cũng như những lời khuyên cho các bạn tu nghiệp khóa sau…các bạn quan tâm có thể vào tường nhà mình xem nhé…!

          Nhân đây, xin Pr luôn cái group mình tâm huyết từ lâu nhưng chưa có kế hoạch xây dựng.
               https://www.facebook.com/groups/464155823741896/?fref=ts
 

Tác giả bài viết: MrVermido Vietnam
Nguồn tin:
Hotline
Ms.Thu
0914 598 895
Mrs. Dương
0964469355
Tư vấn online: 0985 535 635/ 0974 408 029