CAEP Participants
Đăng ký cộng tác viên!!!

Thực tập-Việc Làm- Du học Nhật Bản

Cuộc sống tại Nhật Bản qua góc nhìn của sinh viên Đại học Nông Lâm Thái Nguyên


Đăng lúc: 2017-07-20 11:00:40 - Người đăng bài viết: - Đã Đọc: 1463
Xin chào các bạn, mình là Nguyễn Thuý An, sinh viên khóa 46 của Khoa Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Thực tập sinh chương trình Nhật Bản - ITC Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Mình vừa bắt đầu một chương trình thực tập hưởng lương tại Nhật vào tháng 6 vừa rồi, con người và đất nước này thật tuyệt vời. Tuy mình mới tới đây khoảng gần 2 tháng nhưng mình rất hài lòng về mọi thứ, mình xin chia sẻ đôi điều về công việc cũng như cuộc sống tại Nhật Bản để các bạn có cái nhìn rõ hơn về Chương trình nhé. Qua đây cũng xin cảm ơn trung tâm ITC đã hỗ trợ em hết sức trong quãng thời gian em học tiếng và chuẩn bị chương trình. Câu chuyện của mình mang tên "Nhật Bản ngày mới đến thật lạ lẫm và rất nhiều ấn tượng."

Mình xin được bắt đầu với văn hóa thu - đổ rác đầu tiên, bởi mình cảm thấy đây là một vấn đề gây nhiều khó khăn cho các bạn du học sinh khi mới sang Nhật.​

Nơi mình ở rác được phân loại rất kỹ và nếu đổ rác không đúng chủng loại sẽ bị chụp ảnh lại và gửi tới tận nhà để cảnh báo. Rác được phân ra và đổ vào các ngày trong tuần và trước 8h30 mỗi sáng.

Hàng tháng, vào thứ hai tuần thứ nhất và tuần thứ ba là những ngày để đổ các loại giấy báo, hộp giấy. Không đơn giản chỉ là vo vào rồi đổ, mình sẽ phải xếp giấy thành từng chồng, các loại hộp cac-tông phải gập bẹp. Thứ ba và thứ sáu sẽ đổ rác sống(đồ ăn thừa, thực phẩm...). Thứ tư đổ chai lọ (chai phải mở nút và xé giấy trên thân chai và cho vào 2 túi khác nhau) và vỏ túi (mỳ tôm,bánh....) Thứ năm và thứ bảy đổ đồ gia dụng (các loại dao kéo thì phải gói lại rồi mới đổ). Trong tháng sẽ có 2 lần đổ rác đồ điện, đồ nội thất hỏng cũ không dùng nữa.

Chỉ cần quên đổ rác một hôm, dặc biệt nếu quên đổ rác sinh học vào ngày thứ ba và thứ sáu sẽ gây khó chịu không hề nhỏ. Người Nhật rất sach sẽ nên họ rất nghiêm ngặt trong việc đổ rác. Vì vậy mỗi khi đổ rác, mình đều phải họi mọi người đổ vào đâu cho đúng . Nhưng để nói và nhìn nhận một cách khách quan, đúng đắn thì nếu như tất cả quốc gia và đặc biệt xứ mình xử lý rác nghiêm và tốt như này, thì hiện trạng môi trường đã không đến mức báo động như hiện nay, hiệu ứng nhà kính sẽ giảm đi rất nhiều và biến đổi khí hậu cũng không gây nên hậu quả nặng nề như vậy.

Đúng là một đất nước kỷ cương.

Tạm gác câu chuyện về văn hóa thu-đổ rác.

Chuyển sang câu chuyện đi mua đồ (văn hóa mua hàng trong siêu thị):

1. Thái độ của nhân viên bán hàng:

 Người bán hàng ở các siêu thị rất thân thiện và luôn kiên nhẫn đợi khách mua hàng đếm tiền xu với thái độ vui vẻ. Kể cả khi mua một mặt hàng trị giá nhỏ mà đưa trả đồng tiền to cũng không thành vấn đề. Đếm tiền, tốc độ và lịch sự: những người bán hàng sở hữu một tốc độ đếm tiền như vũ bão, tiền xu họ có 2 khay để, 1 khay dành cho người mua hàng, 1 khay của họ được để riêng từng loại (tiền xu có 6 loại: 1y, 5y, 10y, 50,100y và 500 y), và cũng có những siêu thị sử dụng máy đếm tiền tự động rất tiện lợi. Cá nhân mình cho rằng họ đã được đào tạo 1 khóa học đếm tiền như là những nhân viên tại ngân hàng với sự chính xác hoàn hảo. Khâu tính tiền cực nhanh và rất nhiều giao dịch được thanh toán bằng tiền xu. Tuy rằng tiền xu gây nặng túi nhưng nó lại rất tiện lợi bởi vì nó có thể dùng để mua nước ở những cây bán hàng tự động và dùng để gọi điện công cộng. Nhân viên siêu thị là những người lịch sự và kiên nhẫn. Không hề có các hành động nóng nảy hay bất nhã trong khi chờ khách hàng đếm tiền xu. Chỉ khi khách hàng đã đếm xong họ mới nhận và mỉm cười kèm câu " arigatou gozaimashita". Tất nhiên ở đâu cũng sẽ có người này người kia, mỗi nơi đều có ưu và nhược riêng của nơi đó nhưng có lẽ từ khi đặt chân trên đất nước này, mình chỉ gặp những người thân thiện... 

2. Mua túi đựng đồ:

Nơi mình ở đa phần đến các siêu thi mua đồ sẽ phải đựng bằng túi đựng đồ hoặc mua túi đựng đồ ở siêu thị. 3 Yên túi loại vừa (600 VNĐ) và 500 Yên túi loại to. Lần đầu tiên đi siêu thị mình ngỡ ngàng lắm, loay hoay ngó trước ngó sau tìm túi, chỉ thấy túi nhỏ mỏng loại chỉ để đựng rau về cho vào tủ, sau một hồi mình mới biết phải mua. Họ làm vậy là để giảm bớt tiêu thụ lượng túi nilon và tăng tái sử dụng lại chúng. Người Nhật đúng là thật tuyệt vời.

 Khi mua đồ ở xứ này đều phải trả một khoản thuế (8-9%). Mình mua đồ hết 100 Yên thì sẽ phải trả thêm 8 hay 9 Yên tiền thuế nữa chứ không như xứ mình là thuế đã được tính sẵn. Ở một số siêu thị họ sẽ bắt mình mua báo (chỉ khoảng vài yên). Họ cứ nhẹ nhàng tươi cười, nhẹ nhàng cho vào giỏ hàng của mình và nhẹ nhàng tính tiền của mình luôn và đến một khoảng thời gian minh mới được nói cho biết được mình phải trả tiền cho tờ giấy đó (Tờ giấy đó là báo kiểu dạng như tờ rơi mà xứ mình hay gọi)

3. Thời gian chờ.(với siêu thị không cần mang túi bóng).

Khi thanh toán xong giỏ hàng họ sẽ xếp mấy lạo đồ ăn chín hoặc đồ cần để riêng vào túi, còn những đồ còn lại mọi người sẽ tự phải ra kệ dành cho việc tự xếp đồ. Điều này vừa tiết kiệm được thời gian chờ tính tiền của những người mua hàng phía sau, vừa luyện tập được tính chủ động và tác phong nhanh nhẹn của bản thân. Vào thứ 7 và chủ nhật người đi các siêu thị rất đông, lí do là vì cuối tuần thường sẽ có chương trình giảm giá tại siêu thị.

Tiếp đến là Văn hóa trong giao thông: phương tiện chính chủ yếu là ô tô, phương tiện công cộng và xe đạp

1. Nhớ nhà

Nước Nhật rất yên tĩnh, không như xứ ta. Khi còn ở xứ ta, hàng ngày đều được nghe dàn hợp xướng của đủ mọi phương tiện, đôi khi còn khiến chúng ta giật mình khi tham gia giao thông. Vậy mà qua bên Nhật gần một tháng rồi, mình hầu như không nghe được tiếng còi xe nào khiến trong lòng cảm thấy nhớ sự náo nhiệt của đường phố Việt Nam. Đường đi thì như trong truyện Doraemon, như mê cùng với rất nhiều ngã tư và góc khuất, ấy vậy mà vẫn không hề có lấy một tiếng còi.

                                                                          Đường phố vô cùng đẹp và yên tĩnh

2. An tâm di chuyển:

Thực ra, mỗi ngã tư đa số đều có gương cầu lồi để quan sát, vì vậy mà tiếng còi xe hầu như biến mất ở đây. Khi đến các ngã tư, mọi loại xe đều đi chậm lại để quan sát người đi bộ (người đi bộ luôn được ưu tiên nhường đường). Vậy nên không nhất thiết cần đến tiếng còi. Bên cạnh đó, đường được phân chia rõ ràng thành làn cho cả người đi bộ và người đi xe đạp.

​                                                                          Làn đường được phân chia rõ ràng tại Nhật Bản

3. Đèn tín hiệu

Đèn giao thông ở đây nó không đếm giây và sẽ rất lâu chứ không giống với đèn tín hiệu giao thông tại Việt Nam

4. Tuân thủ luật lệ:

Mỗi khi sang đường, các phương tiện giao thông đều xin đường trước khoảng 50m và giảm tốc độ ở mỗi đoạn cua rẽ để đảm bảo an toàn. Không như ở nước ta, người dân thường xuyên không có ý thức chấp hành luật dừng đèn đỏ, và việc đi bộ sang đường cũng không chấp hành đi nghiêm túc. Nhưng với nước Nhật, khi đến đoạn đường có đèn đỏ kể cả không có ai họ vẫn dừng xe, còn người đi bộ luôn đi đúng vạch mỗi khi họ muốn qua đường.

Khi mới sang vài ngày đầu, mình thường quên đi đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Mỗi lần đó mình đều phải quay lại tìm các doạn đường có vach ưu tiên để qua đường. Dù vất va nhưng miệng mình vẫn luôn giữ thái độ lạc quan và tích cực.

5. Đường phố.

Đường ở đây rất là sạch, lại không có bụi nên chẳng cần đến khẩu trang. Thế nhưng có 1 đoạn trên đường mình đi học, bên lề đường thi thoảng vẫn có rác và là đường có rác duy nhất trong những con đường mình đã đi ở đây (vì đường này có bãi đỗ cho các xe rác). Mà bên này mình để ý gần như chẳng có mặt của các thùng rác công cộng...

Câu chuyện giao thông xứ này là vậy. Có quá nhiều điều mới mẻ đối với bản thân mình.

                                                                               Đường phố sạch sẽ và không có bụi

Phần cuối: Điểm ấn tượng nhất với mình đây ạ: "Con người".

1. Ấn tượng đầu tiên:

Ấn tượng lắm bởi khi bước chân xuống sân bay còn đang ngờ nghệch thì xuất hiện cảnh tượng làm mình thấy ấn tượng luôn.

Chuyến bay ngày hôm đó có rất nhiều người Việt Nam, sau 1 chuyến bay khá dài thì đã được hạ cánh, đa phần đều mêt và cũng muộn nữa vì đã gần 11 giờ rồi. Đoạn đường từ máy bay ra đến chỗ lấy đồ khá là dài và cứ cách 1 đoạn sẽ có 1 đoạn đường băng để tiện cho việc di chuyển. Bỗng nhiên có 1 đoàn người tiến đến rất nhanh khiến cả đoàn phải tách ra để nhường đường. Không hề có khái niệm đứng giết thời gian. Phương châm của người nhật là chậm 1 phút là mất đi một cơ hội. Kể cả với những người già, họ cũng đi rất nhanh. Trong đầu mình chợt có suy nghĩ :”một đất nước cuồng công việc, nhanh nhẹn và dứt khoát như vậy liệu mình có thể theo kịp không”?

2. Mọi thủ tục đã xong, khi đến chỗ lấy hành lý cũng gần 11h30 đêm rồi, bản thân mình cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi nhưng thật không may bé mình đi cùng mình đánh rơi cái thẻ lưu trú (zairyuuka-do: mọi người ra đường mang theo nhé)..Lúc đó mình quay về chỗ làm thẻ và dùng tiếng anh để hỏi về chiếc thẻ, nhưng thật không may người nhân viên làm thẻ không biết tiếng anh và mìnhvẫn chưa biết tiếng Nhật. Sau đó 2 chị mình thật may mắn khi một cô nhân viên hàng không đã hết sức nhiệt tình giúp đỡ mình tìm lại tấm thẻ. Đó là điều mình rất ấn tượng về con người nước Nhât.

3. Tìm kiếm xong thì đã 12h đêm và mình phải đợi đến 8h sáng hôm sau mới có chuyến bay từ Hanenda-Tokyo đến Hiroshima. Vậy là mình có 1 đêm tận hưởng cảm giác ở sân bay, cùng với 4 vali, 4 túi (2 đồ, 2 túi khoác) của 2 chị mình ở sân bay. Bé mình thì ngủ, còn mình thì thức ngồi đấy và 1 cảnh tượng lại hiện ra trong mắt mình. Đó là các chú lao công lau nền. Họ lau rất nhiều lần, khoảng 20p họ lại lau tiếp. Đến khoảng 4h sáng, thực sự mình không biết họ đã lau bao nhiêu lần nơi chờ khách đó. .=>> gọn gàng, sạch sẽ, chăm chỉ và chỉn chu.

{Tiếng anh thực sự rất cần thiết đó. Vì sân bay đêm hôm đó mình ở là sân bay quốc tế. Mới đầu do không biết nhưng có 1 chú việt nam bảo mình, sân bay kia cách xa chỗ này đấy. Lại 1 lần nữa lại phải bập bõm sử dụng ngôn ngữ chung kia để hỏi đường. Và đúng như chú kia nói, 5h sáng hôm sau mình phải xuống tầng 1 và đi xe bus sang bên nội địa. Thật sự là mình hết sức lại còn 2 vali với 1 túi xách tay đeo bám nữa.}.

4. Thầy giáo

Đúng hình ảnh của 1 người thầy trong những câu chuyện, những bài hát tóc bạc trắng, bình thường thì mình phải gọi bằng ông (mặc dù trông thầy như ngoài 70 nhưng vẫn rất phong độ). Ngày nào cũng với chiếc áo sơ mi trắng và quần âu, đóng thùng.

Thoạt đầu mới vào lớp, mình nghĩ thầy là người khó tính và có đôi chút sợ hãi. Nhưng sau 1 buổi mình nhận ra mình đã nhầm, thầy quá chi là dễ thương, hiền lành (cả lớp toàn ví thầy là ông bụt), nhân hậu và cực vui tính. Và đặc biệt rất quan tâm học sinh. Vì cả ngày ở trên lớp, sợ học sinh đói, cứ chiều là thầy đều phát kẹo, hoặc bánh cho học sinh như bọn trẻ đi học vậy, rồi có cho thêm thì phải oẳn tù tì để giành kẹo, thế mà vẫn gặp bọn quỷ chuyên ra đi cướp làm thầy ôm túi kẹo chạy. Bọn mình thường tán gẫu với nhau rằng thầy cả ngày chơi với bọn trẻ con không biết tiếng này chắc mệt lắm, hết phát kẹo lại đi đun nước cho học sinh uống. Đến chiều tan học thầy trò cùng nhau dọn dẹp phòng học. Học sinh dọn xong đứng đợi nhau với đợi thầy làm xong rồi mới về (thầy luôn nhận công việc lau cửa, không để học sinh làm). Xong việc lớp mình và thầy chơi trò oẳn tù tì (thầy cực kỳ rất vui tính) ai thua thì phải chào trước để ra về.... mình không thể diễn đạt được hết phần tình cảm dành cho thầy, chỉ biết nói là sau bao nhiêu năm cắp sách đến trường lần đầu tiên mình gặp 1 hình ảnh đúng và đậm chất của 1 người thầy như vậy: tóc bạc, già, nhân hậu...

                                                                              Người thầy giáo vui tính và nhân hậu

5 Người dân.

Như ở trên mình đã nói họ rất là vui vẻ, lúc nào cũng cười. Các nhân viên ở siêu thị hay ở các công ty thì vô cùng lịch sự và thân thiện (chẳng biết sao, từ lúc mình đến đây toàn thấy những người dễ thương như này).

Thêm nữa, phụ nữ ở đây từ người già đến trẻ đều trang điểm mỗi khi ra đường. Nhưng họ trang điểm rất tự nhiên, con gái thì hay đánh má hồng nữa. mà để ý là họ không dùng son đỏ như ở xứ mình. Cả nam lẫn nữ đều trắng trẻo và có diện mạo ưa nhìn.

Mình đặc biệt ấn tượng với 1 cụ bà ngoài 60, sáng nào đi học cũng gặp bà cụ đang mặc cái tạp dề dọn dẹp quanh nhà với chăm mấy chậu hoa ở cổng. Bà lúc nào cũng chào, rồi hỏi ngưòi nước nào (ngày nào cũng bảo bọn cháu là người việt Nam mà bà toàn quên. Ngày nào gặp cũng hỏi) cụ luôn nói một câu rằng: cố gắng lên nhé!. Rất thân thiện

Đó là những sự ấn tượng đầu tiên về con người xứ đây.

Dĩ nhiên ở đâu cũng sẽ có người này người kia. Không thể nói ở đất nước này tất cả mọi thứ đều tốt, tất cả mọi người đều tốt được, nhưng nhìn 1 cách tổng thể thì đa phần đều tốt. Không tự dưng mà đứng top trên toàn cầu về mọi mặt và 1 điều là từ khi mình đặt chân đến nơi này có vẻ như mọi thứ, mọi người nơi đây đều cho mình1 ấn tượng đẹp.

....

Đó là những gì mà mình thấy và cảm nhận được trong khoảng thời gian đầu khi đặt chân đến nơi đất người này (đính chính là nơi mình ở nhé, chứ nơi khác mình không rõ ạ). Với tầm nhìn còn hạn chế, khờ, có lẽ 1 khoảng thời gian sau khi mở mang được thêm thì tầm nhìn mình có thể mở rộng hơn sẽ bớt ngây ngô, khờ khệch như hiện giờ.

Mong rằng những gì mình kể ở trên, sẽ có 1 chút gì đó gọi là hữu ích.

Cảm ơn các bạn đã đọc chia sẻ của mình .

Tác giả bài viết: Nguyễn Thuý An
Nguồn tin: Trung tâm ĐT & PTQT
Hotline
PGS. TS. Hoàng Thị Bích Thảo (Giám Đốc)
0974 408 029
Mrs. Loi
0988147566
Ms. Nga
0978044366
Tư vấn online: 0985 535 635/ 0974 408 029