CAEP Participants
Đăng ký cộng tác viên!!!

Thực tập nghề Israel

Cuộc phiêu lưu của Min tại Israel (phần II)


Đăng lúc: 2017-02-07 13:54:09 - Người đăng bài viết: Mai Thu - Đã Đọc: 2074
Cuộc phiêu lưu này đã dạy cho tôi nhiều thứ. Tôi đã học được cách vượt qua khó khăn vất vả, làm những công việc từ bé chưa động tay bao giờ, dạy tôi kiếm được đồng tiền khó khăn như thế nào, đổ mồ hôi công sức ra sao, dạy tôi trưởng thành ngày qua ngày như thế…

Tôi đã vượt qua khó khăn như thế nào?

Hôm nay là ngày 31/12 ngày cuối cùng của năm 2016. Vậy là tôi đã đi được một nửa cuộc phiêu lưu tại vùng đất sa mạc này.

Cuộc sống tại đây có khá nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng chẳng ít những điều mới lạ để có thể khám phá và trải nghiệm.

Cuộc sống là màu hồng tươi hay màu xám xịt là do cách nhìn nhận của chúng ta về nó. Khi chuẩn bị sang đây chị Leader của tôi ở nhà có dặn dò và tâm sự khá nhiều về cuộc sống bên này cho chúng tôi nghe vì chị là cựu sinh viên ở Israel về. Chị kể sang đây làm farm dưa là vất vả nhất, nóng nhất,… hình như là trừ sướng nhất ra thì cái gì cũng nhất. Tự dặn lòng thôi cứ nghĩ mình vào farm khổ đi để vào được farm sướng còn mừng, mà nhỡ có vào farm khổ còn đỡ sốc. Ấy thế mà sang đây vào farm khổ thật (farm dưa luôn). Khổ là do trồng cây dưa đặc thù hơn các công việc khác, loài dưa ưa nắng và nóng để có thể tích lũy được vị ngọt sắc cho quả của mình. Vì vậy farm dưa đòi hỏi có nhiệt độ farm rất cao cùng những kĩ thuật trồng đặc biệt. Và đây là câu chuyện tôi đã vượt qua những nỗi khổ ấy như thế nào.

Chuyện phủ plastic.

Những ai đã từng đến Israel mà làm farm dưa, farm bí ngô, bí zukini  chắc hẳn hiểu được cảnh đi dọn đồng và phủ plastic là cực hình ^^

Chúng tôi đi dọn dẹp farm

Đi dọn đồng là những miếng plastic khi chôn nó bị vùi dưới đất thì mình cần kéo lên. Cùng màu thì buộc với nhau, ví dụ màu xanh buộc với màu xanh, màu trắng buộc với màu trắng thành một cái dây dài và cuộn tròn lại để mang tới bãi rác. Nghe có vẻ dễ dàng lắm nhưng dưới thời tiết hơn 40 độ C, kéo từng đoạn plastic bị chôn vùi ở dưới đất bụi tung mù mịt thì thật không hề đơn giản với một cô gái như tôi. Sáng sớm đi làm mặt trời còn chưa ló lên thì cảm thấy khá hứng thú với công việc nhưng sau giờ ăn cơm sáng thì cái nóng khiến tôi liên tưởng đến những người bị Vua đày đi bộ ra đảo hoang trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc.

Một số bạn nam cùng trường với tôi ở farm hoa bên cạnh được chủ sắp xếp đi làm việc cho farm khác trong khi nhà mình chưa đến mùa thu hoạch (Sinh viên Israel vẫn thường đùa nhau gọi là “đánh thuê”), ngờ đâu lại đi “đánh thuê” đúng farm nhà tôi. Ban đầu bạn bè được gặp nhau thì hớn hở lắm, ríu rít hàn huyên rồi vừa làm vừa nói chuyện. Thế mà dần rồi thấy mệt, mỗi người lẳng lặng làm một đường. Hết khoảng thời gian ấy, xong việc nhà tôi, các bạn được trở về làm lại farm chính và các bạn ấy gọi điện khoe: “Bạn ơi, mai tớ về thiên đường nhà tớ rồi, thoát khỏi địa ngục nhà bạn rồi”. Vậy mà cô gái bé nhỏ như tôi đã vượt qua những ngày tháng như thế đấy các bạn ạ. Lúc mệt vừa làm vừa lẩm bẩm con lạy trời lạy phật cho con ít gió đi, gió đến cái là bỏ khẩu trang ra tận hưởng sảng khoái giống như được hít nguồn sinh khí để có năng lượng làm tiếp, lúc đó đối với tôi mà nói chỉ được hít thở đã là niềm vui lớn lao rồi.

 Sau khi dọn đồng là đến phủ plastic.

Cả cánh đồng dưa được phủ Plastic

Đối với công việc này mình cần cầm cái xẻng đi xúc đất để giữ plastic không bị gió thổi bay. Nghe có vẻ khá đơn giản các bạn nhỉ. Cứ đi dọc 100m mà 2,5m lại xúc vài xẻng và ở hai đầu luống phải lấp kín hai lượt để giữ chặt plastic.  Mỗi lúc mệt chúng tôi lại đùa nhau rằng chúng ta đang tham gia show truyền hình thực tế “Bố ơi! Mình đi đâu thế” phần thưởng cho người đua thắng cuộc là khoảng 200 shekel bằng khoảng hơn 1 triệu VNĐ, thế là tự nhiên có động lực để vượt qua.

Phủ plastic xong thì mùa nóng sẽ phủ lưới trên nóc. Vì nhà tôi trồng dưa nên vòm thấp. Chui vào trong cắt lỗ để bón phân với trồng cây mới thực sự là khoảng thời gian đang nhớ, tôi thường đùa các bạn cùng làm rằng cảm giác giống như bị hấp chín vậy. Theo lý thuyết tôi được học thì ở trong vòm tăng từ 8 đến 10 độ so với nhiệt độ bên ngoài mà nhiệt độ bên ngoài là hơn 40 độ C. Lúc đấy chỉ ước làm thật nhanh, thật nhanh để chui ra khỏi vòm thôi mà không hiểu sao đi mãi mới thấy được một nửa chiều dài farm. Tôi nhớ lần đầu làm công việc ấy xong lúc ra khỏi farm bốn đứa nhìn nhau mà không nói với nhau được câu nào. Tôi từng nghe câu chuyện về có bạn sinh viên không thể chịu được công việc này, bất chợt tôi nghĩ: “Mình không ngất thì mình phục mình quá ý”. Vất vả là thế, mà vừa lên xe về nhà được đi qua những farm chà là đều nhau tăm tắp, mặt trời xuống dịu hẳn không khí gay gắt ban ngày, mấy đứa lại cùng nhau hát vang trời, yêu đời và quên hết mọi mệt mỏi.

Đối với farm dưa, mùa nóng cần phủ lưới trên nóc farm

Nhớ ngày đầu tiên tìm hiểu về Chương trình, các chị ở Trung tâm nói rằng điều đầu tiên cần xác định là mình sẽ phải trải qua vất vả, sang đây mới hiểu đúng nghĩa thế nào là vất vả, thế nào là kỷ luật quân đội nhưng tôi sẽ không kể hết cho các bạn nhé, còn dành cho các bạn tự sức mình trải nghiệm chứ.

Qua những câu chuyện này, tôi muốn gửi đến các bạn thông điệp không có gì là không thể vượt qua nếu bản thân mình quyết tâm cố gắng. Cuộc sống này muôn màu muôn vẻ, có lúc xám đen có lúc tươi hồng nhưng hãy cứ nhìn nó một cách lạc quan nhất. Tự tìm thấy những niềm vui từ những điều bình dị nhất, tự biết tìm niềm vui trong những lúc đang trải qua sự khắc nghiệt.

Cuộc phiêu lưu này đã dạy cho tôi nhiều thứ. Tôi đã học được cách vượt qua khó khăn vất vả, làm những công việc từ bé chưa động tay bao giờ, dạy tôi kiếm được đồng tiền khó khăn như thế nào, đổ mồ hôi công sức ra sao, dạy tôi trưởng thành ngày qua ngày như thế…

Tôi đã học được cách vượt qua khó khăn từng ngày, tôi đã trưởng thành từng ngày như thế

Còn rất nhiều điều lý thú ở phần III các bạn hãy đón đọc và ủng hộ mình nhé.

 

Tác giả bài viết: Thi Hương, sinh viên Chương trình Thực tập nghề Israel 2016
Nguồn tin: Mai Thu, TT ĐT&PTQT
Hotline
Ms.Thu
0914 598 895
Mrs. Dương
0964469355
Tư vấn online: 0985 535 635/ 0974 408 029