CAEP Participants
Đăng ký cộng tác viên!!!

Thực tập nghề Israel

Chia sẻ của sinh viên Nguyễn Văn Vinh về những điều cần chuẩn bị khi tham gia Thực tập nghề tại Nhật Bản


Đăng lúc: 2016-12-05 09:57:41 - Người đăng bài viết: Mai Thu - Đã Đọc: 1532
Đó thực sự là chuyến đi trải nghiệm lớn nhất cuộc đời của mình bởi không chỉ học được nhiều điều về kiến thức chuyên ngành nông nghiệp, tự trang bị được rất nhiều hành trang khác có ích cho công việc trong tương lai mà mình còn có nhiều kỉ niệm đáng nhớ tại xứ sở hoa anh đào.

Mình là Nguyễn Văn Vinh, mình vừa trở về từ Nhật Bản khi kết thúc chương trình thực tập nghề 7 tháng tại Nhật của Trung tâm Đào tạo và Phát triển Quốc tế, trường Đại học Nông Lâm năm 2016. Đó thực sự là chuyến đi trải nghiệm lớn nhất cuộc đời của mình bởi không chỉ học được nhiều điều về kiến thức chuyên ngành nông nghiệp, tự trang bị được rất nhiều hành trang khác có ích cho công việc trong tương lai mà mình còn có nhiều kỉ niệm đáng nhớ tại xứ sở hoa anh đào. Cũng giống như các bạn sinh viên khóa năm nay, trước khi đi mình đã có rất nhiều câu hỏi thắc mắc cần giải đáp nhưng vì chúng mình là khóa sinh viên đầu tiên tham gia Chương trình nên mọi thứ đều phải tự tìm tòi và thích nghi. Năm nay chúng mình đã hoàn thành khóa thực tập, đã tự rút ra được một số kinh nghiệm cho chuyến đi vậy nên mình gửi đến các bạn sinh viên khóa sau một số chia sẻ về những điều cần chuẩn bị trước khi lên đường để có một kì thực tập thật thành công nhé.

  1. Chuẩn bị tiếng Nhật thật tốt trước khi lên đường.

Tiếng Nhật là chữ tượng hình nên khi mới bắt đầu học mình cảm thấy khá khó khăn để tiếp cận. Mặc dù đã được thầy cô giáo tại Trung tâm nhiệt tình chỉ bảo và mình cũng đã cố gắng nhưng mình nhận ra những nỗ lực ấy chưa đủ bởi trong những ngày đầu tiên ở Nhật, vấn đề lớn nhất mình gặp phải đó là không vượt qua được rào cản ngôn ngữ. Mình nhận được sự chào đón thân thiện của gia đình bác chủ nhà ngay từ ngày đầu tiên, điều đó khiến mình rất vui nhưng cũng khó xử vì muốn nói với các bác rất nhiều điều nhưng do vốn từ còn yếu nên không thể trình bày đúng điều mình muốn nói. Mình gặp khó khăn trong việc không hiểu những điều bác chủ nói và muốn nói gì cùng phải nhờ chị Dung (chị phiên dịch của Hiệp hội Chikyujin tại Nhật Bản) dịch giúp và ghi ra giấy đưa cho bác chủ xem. Mình được sắp xếp ở một mình cùng nhà bác chủ chứ không cùng bạn sinh viên Việt Nam nào, điều này có nghĩa mình sẽ phải tự thực hiện mọi giao tiếp mà không thể nhờ chị phiên dịch mãi, từ đó mình quyết tâm cải thiện tiếng Nhật để có thể chủ động trong công việc.

Buổi đi học thực tế tại kho lạnh của làng Kawakami

Mình đã rất chăm chú nghe và nhìn bác dạy cách làm từng công việc, từ đó ghi lại tất cả các từ học được và cố gắng ghi nhớ bằng cách gắn với từng hành động. Khi bác dạy cho mình bất kì công việc gì mình làm ngay và nhờ bác xem lại đã đúng chưa rồi mới làm tiếp, đó cũng là một cách học nghĩa của từ vựng chuẩn nhất. Qua tháng đầu tiên, mình bớt bỡ ngỡ hơn trong việc giao tiếp và khả năng nghe của mình đã được cải thiện hơn rất nhiều. Ngoài công việc, mình đã có thể chia sẻ nhiều hơn cả về cuộc sống và các câu chuyện thường ngày với bác chủ. Việc giao tiếp giống như cầu nối giúp mình thêm gần gũi với từng thành viên của gia đình chủ, mình cũng nhận được nhiều cảm tình hơn, được gia đình bác coi như một thành viên trong gia đình. Câu chuyện của mình chính là điều đầu tiên mình muốn chia sẻ với các bạn sinh viên khóa mới: Ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết để sinh sống và làm việc tại nước ngoài và quá trình học tập rèn luyện tại Việt Nam chính là cơ hội tốt nhất để các bạn tự trang bị cho mình những kiến thức và kĩ năng để có thể sống tốt tại Nhật Bản. Vì vậy các bạn hãy cố gắng tận dụng tốt cơ hội này để mình có được một sự chuẩn bị tốt nhất trước khi lên đường nhé.

Bữa cơm cùng gia đình bác chủ

  1. Rèn luyện thể lực, tác phong thường xuyên và nghiêm túc

Khoảng thời gian sống trong kí túc xá của Trung tâm để rèn luyện thể lực là khoảng thời gian đáng nhớ đối với mình cũng như các bạn cùng tham gia Chương trình. Tại đây mình đã được làm quen với những người bạn mới, cùng nhau học tập và cùng nhau trải qua khóa rèn luyện dưới sự hướng dẫn rất nghiêm khắc của thầy giáo. Theo thời khóa biểu học tập của Trung tâm, chúng mình phải dậy từ 6 giờ sáng để tập thể lực trong 1 tiếng, mình được tập tất cả các bài tập như chạy, bật cao, tập tạ, tập với bao cát…Sau đó về học tiếng Nhật và lại tiếp tục tập thể lực vào buổi chiều. Khi chưa quen với lịch luyện tập quy củ và nghiêm khắc, mình cảm thấy khá mệt mỏi nhưng chỉ đến khi sang đến Nhật Bản, được sống trong môi trường quy củ và lịch làm việc dày đặc mình mới cảm thấy may mắn khi đã được rèn luyện thể lực kĩ càng tại Việt Nam. Mình dễ dàng thích nghi với công việc và luôn đi làm đúng giờ.

Cánh đồng rau hằng ngày mình làm việc

Tuy nhiên vào mùa thu hoạch công việc có thể trở nên vất vả hơn rất nhiều, chúng mình phải dậy từ 2, 3 giờ sáng đi cắt rau. Mỗi buổi sáng cắt khoảng 100 đến 300 thùng rau, thùng rau nặng nên bác chủ không bắt làm quá sức nhưng không có nghĩa mình được làm chậm. Mỗi khi đi làm cảm thấy mệt, mình nhìn lên và ngạc nhiên thấy bác chủ nhà 65 tuổi vẫn cần mẫn làm việc với sức khỏe như thanh niên, từ đó mình nghĩ mình làm việc vẫn chưa thực sự tốt nên tự nhắc nhở mình cần cố gắng hơn. Mình đã tự lên một lịch trình giờ làm việc học tập và sinh hoạt riêng nên đã rèn được ý thức tự giác cùng tính kiên trì, cũng nhờ vậy mà sức khỏe mình luôn được đảm bảo trong suốt 5 tháng tại Nhật. Trong quá trình đi học và làm việc mình đã học được rất nhiều kĩ thuật từ làm đất gieo hạt, quá trình quản lý cây trồng và thu hoạch rau, đó là những kiến thức rất có ích cho một người yêu thích nông nghiệp như mình.

  1. Chuẩn bị đồ dùng và quần áo

Ngoài những vật dụng cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, dao cạo râu, sách vở, quần áo lao động… một điều cần lưu ý đó là các bạn nên mang theo áo khoác dày mùa đông vì vào khoảng tháng 4 và tháng 10 nhiệt độ sẽ xuống rất thấp (khoảng 1 độ C ban đêm và khoảng 10 độ C vào buổi sáng đi làm). Quần áo mưa cũng là vật dụng cần thiết bởi vào mùa thu hoạch, các bạn đi làm sớm ban đêm sẽ lạnh, sử dụng áo mưa sẽ giúp giữ ấm cơ thể và giữ quần áo khô ráo, không bị bẩn trong quá trình cắt rau. Quần áo mưa có thể sẽ được gia đình chủ nhà mua cho tuy nhiên các bạn vẫn nên tự chuẩn bị cho mình 1 – 2 bộ mang đi từ nhà. Một điều nữa mình muốn góp ý thêm đó là chúng mình sang đó được ở cùng gia đình chủ và đều được đối xử rất tốt, nên mỗi bạn sinh viên sang đó nên tự chuẩn bị một món quà nho nhỏ tặng gia đình bác chủ để thể hiện sự chân thành của mình trong lần gặp đầu tiên.

  1. Tìm hiểu về văn hóa và con người Nhật Bản

Việc thích nghi với cuộc sống ở một đất nước xa lạ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu các bạn có sự chuẩn bị tốt về việc tìm hiểu về văn hóa, các thói quen thường ngày, phong tục… của người dân bản địa. Trải qua quá trình 5 tháng sinh sống tại đây mình có một số điều cơ bản rút ra được một số bài học luôn luôn phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày:  Điều đầu tiên cần phải học đó là nói cảm ơn khi bác cho bất cứ gì và xin lỗi khi mình làm sai. Đó là sự thể hiện tôn trọng trong văn hóa Nhật Bản. Ví dụ nếu mình đi làm muộn hoặc mắc lỗi gì sai, ngay lập tức nhận lỗi về mình và thẳng thắn nói lời xin lỗi chứ tuyệt đối không được lẳng lặng vào làm hoặc lặng im bỏ qua. Khi chào phải cúi, lên xe nói しつれします( tức là tôi xin phép) khi xuống xe nói ありがとございました( nghĩa là cám ơn bác). Trong bữa cơm cần nói chuyện và khen thức ăn ngon hay không ngon khi bác cho thức ăn, sẽ có những món ăn do không quen khẩu vị người Nhật nên chúng ta không ăn được, lúc này chúng ta sẽ lịch sự xin phép không ăn. Ngoài ra do mình ở cùng gia đình chủ nên đi đâu cũng phải xin phép bác chủ trước. Muốn được người Nhật tôn trọng thì cần tôn trọng người Nhật trước và sống chân thật, lễ phép, đi làm phải luôn đúng giờ, mình luôn coi hai bác giống như người thân, mình đã sống như vậy và bác chủ rất quý.

5 tháng thực tập là khoảng thời gian rất đáng nhớ với mình, nhớ lại gần ngày đi mình đã lo lắng rất nhiều điều cho cuộc sống mới xa nhà tại một đất nước có nền văn hóa kỉ cương bậc nhất. Thế nhưng sang tới Nhật Bản, được bác chủ đến đón về nhà và giới thiệu các thành viên trong gia đình, các bác đều rất tốt và đối xử thân thiện nên mình cảm thấy dễ hòa nhập hơn rất nhiều so với trong suy nghĩ. Bác đã đưa mình về phòng riêng với đầy đủ tiện nghi nghi máy sưởi, tủ lạnh, máy giặt, phòng rất rộng đẹp và sạch sẽ. Mình được bác chủ nấu cho bữa sáng, còn bữa trưa và tối mình tự nấu. Bác cũng cho mình xe đạp riêng nên mình có thể đạp xe đi dạo rất nhiều nơi những lúc rảnh rỗi. Trong suốt kì thực tập mình cũng đã được học về quy trình, kỹ thuật trồng rau tại làng Kawakami và học thêm về từ vựng nông nghiệp, tác phong, cả cách sinh hoạt cùng người Nhật. Hiệp hội hợp tác xã của làng cũng tổ chức những buổi học rất thú vị như đi phân tích đất, đi xem nơi nghiên cứu giống của làng Kawakami và trung tâm nghiên cứu giống của tỉnh Nagano. Tại buổi học mình được trực tiếp làm và đi xem những mô hình thí nghiệm giống của họ. Rất thú vị khi mình lại có thể thực hành và tham gia vào quá trình phân tích đất cho chính nhà bác chủ và nhận được sự tôn trọng của bác khi mình báo lại kết quả sau khi phân tích xong.

         

Phòng ở của mình tại Nhật Bản

Với những kiến thức mà mình đã học được cùng những ngày tháng trải nghiệm tại Nhật Bản, đây là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời sinh viên của mình. Giờ đây khi đã trở về Việt Nam mình có rất nhiều dự định trên con đường phía trước nhưng chắc chắn mình sẽ phát triển những điều mình đã thu được từ Chương trình Thực tập nghề vừa qua đó là tiếng Nhật và những kiến thức về nông nghiệp sạch. Mình tin với những ai có lòng yêu thích và sự kiên trì giống như tác phong làm việc của người Nhật Bản, chắc chắc người đó sẽ với đến sự thành công.

Đó là một số điều chia sẻ về kinh nghiệm của mình dành cho những bạn sinh viên khóa năm nay. Mình hi vọng với bài viết này có thể giúp các bạn được phần nào trong quá trình chuẩn bị cho chuyến đi.

Tác giả bài viết: Tác giả: Nguyễn Văn Vinh - Sinh viên Chương trình Thực tập nghề 7 tháng tại Nhật Bản
Nguồn tin: Mai Thu, TT ĐT&PTQT
Hotline
Ms.Thu
0914 598 895
Mrs. Dương
0964469355
Tư vấn online: 0985 535 635/ 0974 408 029