CAEP Participants
Đăng ký cộng tác viên!!!

Thực tập nghề Israel

Sinh viên đã chuẩn bị gì trước tác động từ TPP?


Đăng lúc: 2016-03-02 16:19:47 - Người đăng bài viết: Mai Thu - Đã Đọc: 1529
“Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”(TPP) vừa kết thúc đàm phán sau hơn 5 năm. Việc tham gia của Việt Nam và khả năng ràng buộc của thị trường lao động Việt Nam với những quy định của Hiệp định gần kề. Sinh viên phải làm gì để thích nghi với cơ hội cũng như thách thức này?

Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP) là Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP, bao gồm: New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Úc, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. TPP được coi là hiệp định thương mại của thế kỷ 21 và là một trong những cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất trên thế giới, với tỷ trọng GDP của các nước tham gia chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.

Sinh Viên Việt Nam có cuộc trao đổi với ThS Trịnh Anh Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Đào tạo ngắn hạn,trường ĐH Luật TP. HCM.

Thưa bà, khi Việt Nam tham gia vào TPP, giới trẻ sẽ gặp những thay đổi gì liên quan đến thị trường lao động?

Hiện tại, trên lãnh thổ Việt Nam, các bạn trẻ là người nước ngoài đang cư trú, làm ăn, học tập và sinh sống có thể tạm xếp vào 6 nhóm chính: (1) Nhóm đến Việt Nam nhằm mục đích đầu tư, chuyển giao công nghệ; (2) nhóm định cư tại Việt Nam do kết hôn với người Việt Nam; (3) nhóm theo cha mẹ đến Việt Nam theo các dự án đầu tư dài hạn; (4) nhóm đến Việt Nam học tập và làm việc trong quá trình học tập để có thêm thu nhập; (5) nhóm tìm kiếm các cơ hội việc làm tại Việt Nam trong môi trường hội nhập và công bằng; (6) nhóm đến làm việc tại Việt Nam theo sự sắp xếp chuyển dịch về nhân sự (bao gồm công nhân lành nghề và lao động trí óc) của các công ty đa quốc gia… Môi trường sống và làm việc tại Việt Nam hiện tại chưa thực sự thu hút giới trẻ nước ngoài đến làm việc, học tập, chủ yếu các bạn trẻ theo cha mẹ cư trú lâu dài tại Việt Nam trong các dự án đầu tư. Trong khi đó, một khi Hiệp định có hiệu lực, dự báo nhóm 1, 3, 5 và 6 sẽ là những nhóm có khả năng tăng về số lượng. Khi Việt Nam mở cửa thị trường theo cam kết trong Hiệp định, các dự án và nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng, nhu cầu sử dụng nhân sự là công dân của nước cấp phép đầu tư tăng. Bản thân những nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động xuất khẩu tại Việt Nam sẽ chịu áp lực về tay nghề, chất lượng sản phẩm, công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn tại Hiệp định, sẽ hướng đến việc sử dụng lực lượng lao động có tay nghề cao và đội ngũ trí thức trẻ quốc tế, trong trường hợp lực lượng lao động Việt Nam, trong đó, có lực lượng sinh viên mới ra trường khó đáp ứng các kỳ vọng của họ. Lúc này vấn đề không còn là cân sức hay không cân sức mà là thực sự là một thách thức đối với lực lượng lao động trẻ.

Như vậy, người trẻ Việt sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp của lực lượng lao động trẻ nước ngoài?

Trước hết, “công dân toàn cầu” là thuật ngữ dùng để chỉ những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Có những bạn trẻ nước ngoài mới 25 -27 tuổi nhưng đã đi mấy chục nước trên thế giới, nói tốt 3 – 4 thứ tiếng, thông thạo âm nhạc, thể thao, văn hóa xã hội, địa lý, chính trị, luật pháp về nhiều quốc gia khác nhau, là “sản phẩm” từ hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Trong khi đó, kỹ năng sống, hội nhập môi trường toàn cầu của không ít các bạn trẻ Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nhận thức được những hạn chế trên “đấu trường tri thức” trong khu vực và quốc tế không phải để người trẻ Việt “sợ”, để tự ái mà để quyết tâm thay đổi vì “không bao giờ là muộn”.

Theo bà, đâu là điểm mạnh của sinh viên Việt Nam thời kỳ hội nhập và làm sao để phát huy các điểm mạnh đó?

Các bạn trẻ cần thấy rằng, sự giao thoa nguồn lao động trẻ giữa các quốc gia là cơ hội cọ xát, học hỏi trong quá trình hợp tác, chia sẻ, tạo động lực cho sự thay đổi tư duy, tiếp nhận cái mới trên cơ sở bảo toàn giá trị bền vững của mỗi quốc gia về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội… Ưu thế của nguồn nhân lực trẻ Việt Nam là lao động và làm việc tại “sân nhà”, với những “thiên thời địa lợi” về chi phí đào tạo, có điều kiện và cơ hội trang bị kiến thức đa ngành phục vụ cho công việc; am hiểu các khía cạnh văn hóa, kinh tế, xã hội của chính đất nước mình để có thể hỗ trợ một cách thiện chí cho các bạn trẻ nước ngoài trong việc tiếp cận môi trường làm việc mới, khẳng định hình ảnh người lao động, các trí thức trẻ Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới. Tố chất thông minh, nỗ lực học hỏi tiếp thu cái mới, chịu lăn xả, hướng về cộng đồng là những điểm đáng hoan nghênh của các bạn trẻ Việt Nam.

Các bạn trẻ đang học tập ở nước ngoài cũng sẵn sàng quay trở về sống và làm việc cống hiến tại quê hương mình. Bên cạnh đó, tác phong công nghiệp, khả năng thích nghi môi trường mới, kỹ năng sống, vốn ngoại ngữ, bản lĩnh, sáng tạo là những điều mà các bạn trẻ Việt Nam cần học hỏi và “lĩnh hội” từ các bạn trẻ thế giới.

Cơ hội và thách thức mở ra cho các bạn trẻ lao động phổ thông là gì?

Quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP, sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu thuế nhập khẩu được hạ về mức 0% thì hàng dệt may và da giày Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần trên thị trường các nước TPP, trong đó, có thị trường Mỹ. Cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác, như thủy sản, đồ gỗ và nông sản cũng rất lớn. Đây là lĩnh vực mà lao động phổ thông có thể tiếp cận được, giải quyết vấn đề việc làm cho lực lượng lao động phổ thông trẻ từ các cơ sở đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Họ có nhiều lựa chọn cũng như cơ hội việc làm hơn.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức về trình độ tay nghề chuyên môn, tác phong làm việc chuyên nghiệp của người thợ trong sự cạnh tranh, do có sự dịch chuyển lao động từ các quốc gia khác vào thị trường lao động Việt Nam. Như vậy, khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, do một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ không đủ sức cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định sẽ phải giải thể.

Cơ hội có nhiều hơn thách thức đối với các bạn trẻ lao động “cao cấp”, có chuyên môn, giàu “chất xám” hơn không, thưa bà?

Khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam, cơ hội tiếp cận của hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam với các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada, với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là của các tập đoàn lớn. Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, do TPP đem lại.

Ở cấp độ này, cần đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ, được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu quy định pháp luật, có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu và kỹ năng làm việc, kỹ năng lãnh đạo và quản lý để có thể làm việc ở các vị trí quản lý, cố vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí là các tập đoàn đa quốc gia. Đội ngũ trí thức trẻ cần phải xác định mục tiêu, kể cả tham vọng và hoài bão thực tế của bản thân để có chiến lược trong học tập và nghiên cứu, hình thành các kỹ năng để đạt được các mục tiêu tìm được môi trường làm việc tương xứng với năng lực.

 

Tác giả bài viết: Theo Sinh viên Việt Nam
Nguồn tin: Sưu tầm và đăng bài: Mai Thu, TT ĐT&PTQT
Hotline
Ms.Thu
0914 598 895
Mrs. Dương
0964469355
Tư vấn online: 0985 535 635/ 0974 408 029